CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PCCC HAMINCO

Địa chỉ: 129 Tam Trinh, Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội

VPGD: 126 Hà Huy Tập, Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội

Tel: 024 22150479 - DĐ: 0983 552 368

0983552368

Ô nhiễm sông Nhuệ – sông Đáy, trách nhiệm thuộc về ai?

1049 lượt xem

Dù nhân dân, báo chí và các cấp chính quyền đã lên tiếng, kêu gọi hơn chục năm nay, nhưng tình trạng ô nhiễm nước tại lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy trên địa bàn vẫn không hề suy giảm.Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 10/2015, trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy có khoảng 1.950 nguồn thải, trong đó 1.542 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh, 40 nguồn thải của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 132 cơ sở y tế, 142 làng nghề. Cùng với hiện trạng, lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy nằm ở hữu ngạn sông Hồng với tổng diện tích tự nhiên 7.388 km2, chiều dài khoảng 242 km gồm các tỉnh Hoà Bình, Tp. Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định.

Những năm qua, ô nhiễm tại lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy vẫn luôn là vấn đề nhức nhối với sự xuất hiện ngày càng nhiều các làng ung thư tại huyện Ứng Hoà, Chương Mỹ ở Hà Nội, huyện Duy Tiên, Kim Bảng ở Hà Nam. Sau khoảng 15 năm với nhiều biện pháp, kế hoạch, đề án … tình trạng này vẫn không hề suy giảm.

Lời kêu cứu của dòng sông hấp hối

Đi dọc hai dòng sông Nhuệ, sông Đáy, đặc biệt là đoạn sông chảy qua thành phố Hà Nội và hai huyện Duy Tiên, Kim Bảng ở Hà Nam, chắc chắn ai cũng bị ám ảnh với đủ thứ trôi nổi trên mặt sông: xác động vật, nilon, rác thải, nước thải khu công nghiệp, cống thải nước sinh hoạt … trộn vào nhau thành một dòng đen ngòm. Màu đen đó ẩn chứa sự chết chóc và tanh tưởi với mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Có lẽ không cần phải khảo nghiệm hay lấy số liệu cũng có thể khẳng định không có một sinh vật nào có thể tồn tại trong một môi trường nước thế này.

Ô nhiễm dòng sông Nhuệ

Tại Hà Nam – đặc biệt ở hai huyện Duy Tiên, Kim Bảng – là hạ nguồn của con sông Nhuệ, phải hứng chịu đủ loại nước thải từ các khu công nghiệp, khu chăn nuôi và làng nghề dọc tuyến Hà Nội – Hà Nam, do đó đây là nơi có mức độ ô nhiễm rất cao. Mới đây, theo báo cáo Số 186/BC-STN&MT ngày 05 tháng 11 năm 2015 về Tình hình triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, tính đến 10 tháng đầu năm 2015 đã có 43 đợt ô nhiễm nặng diễn ra trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy (mức độ ô nhiễm sông trên báo động cấp 3 theo Quy định bảo vệ môi trường của tỉnh Hà Nam). Theo chỉ số chất lượng nước (WQI) đối với các mẫu nước lấy trên sông Nhuệ tại cống Nhật Tựu và cầu Ba Đa trung bình trong khoảng từ 8-76. Đặc biệt, trong quý I năm 2015 có 1 đợt ô  nhiễm môi trường nước sông Nhuệ nặng nhất do nước thải từ Hà Nội đổ về từ ngày 02/02/2015-08/02/2015 làm cho nồng độ các chất dinh dưỡng và hữu cơ trên sông Nhuệ lên rất cao, chỉ số chất lượng nước sông Nhuệ chỉ là 8.

Người dân bức xúc

Ông Nguyễn Tất Thắng (66 tuổi), người dân tại xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam vô cùng bức xúc bởi đoạn sông Nhuệ khu vực nhà ông ô nhiễm đã hơn chục năm nay, chính quyền cũng về đo đạc, xác minh mà chưa thấy có biện pháp nào cụ thể giải quyết tình trạng này giúp dân. “Người chết vì ung thư ngày càng nhiều, trai trẻ cũng bỏ làng mà đi hết, kêu khóc bao nhiêu năm chỉ để xin chính quyền cho nước sạch mà dùng, đường đẹp mà đi, nhưng đúng là giời không thấu, đất chẳng nghe” – Ông Thắng tức tưởi.

 



Nước sông Nhuệ đục ngầu, bốc mùi hôi thối

Không chỉ có nước sông, mà nước hồ, nước ao và các kênh mương ở huyện Kim Bảng, Hà Nam cũng ô nhiễm trầm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do rác thải, cống thải sinh hoạt của khu dân cư và các khu chăn nuôi chưa qua xử lý mà trực tiếp đưa vào nguồn nước. Bà H. (59 tuổi) bán hàng tại chợ Quế, huyện Kim Bảng, Hà Nam cho biết “Ngay bên cạnh chợ là con sông Đáy, vì là sông lớn nên có vẻ sạch hơn sông Nhuệ, nhưng chúng tôi đã không dám dùng nước sông ở đây từ lâu lắm rồi”.

Chính quyền cũng ca than?

Những năm qua, dù đã tiến hành nhiều hội nghị, giao ban, tổng kết … nhưng 5 tỉnh Hoà Bình, Tp. Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được tình trạng ô nhiễm. Khi được hỏi tại sao, ông Trần Đăng Trình – Chi Cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Hà Nam cũng thẳng thắn chia sẻ về khó khăn, vướng mắc tại địa phương: “Do tổng thu nhập GDP của tỉnh Hà Nam thấp nên kinh phí 1% từ nguồn sự nghiệp phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường ít, không đủ để thực hiện các nhiệm vụ của công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải làng nghề tập trung gặp khó khăn vì các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình làm nghề nằm xen kẽ trong khu dân cư, đất chật, khó khăn trong việc bố trí không gian xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống thu gom”.

Đối với tỉnh Hoà Bình là thượng nguồn của sông Đáy, tuy rằng không có nhiều điểm ô nhiễm, nhưng một số đoạn sông gần khu chợ, khu công nghiệp lưu vực sông Bùi vẫn rất đáng phải quan tâm. Để có được ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của chính quyền địa phương, Phóng viên đã có liên lạc và lên tận nơi nhưng vẫn chưa thể gặp được cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy thực sự đã trở thành nỗi bức xúc của nhân dân, trăn trở của chính quyền, nhưng một câu hỏi đặt ra: Ai là người chịu trách nhiệm về điều này?

Hiện trạng dòng sông là đáng báo động và trách nhiệm chung của toàn xã hội, đơn vị chủ quản doanh nghiệp, các chủ hộ chăn nuôi và toàn bộ những người làm công tác quản lý trên hạ lưu hai con sông này. Hơn 1950 nguồn thải là con số vô cùng đáng sợ và nếu không có sự vào cuộc mạnh tay của chính quyền, và sự chung lòng góp sức từ phía nhân dân cùng doanh nghiệp thì chắc chắn hiện trạng này sẽ còn tiếp diễn, làng ung thư sẽ không mất, con cháu chúng ta vẫn muôn đời phải chịu cảnh bệnh tật và cuộc sống khổ sở bên dòng sông đen đúa bẩn thỉu.

Xoay quanh các văn bản chỉ đạo việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ, chúng ta biết đến Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2014 về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Tổng thể Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đến năm 2020, cùng nhiều Đề án cải tạo, phục hồi … Việc thực hiện các Đề án đó đến đâu, có hiệu quả hay không, khó khăn là gì … ?

Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những chuyên đề tiếp theo.

(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)

XEM THÊM BÀI VIẾT

- Quy định về xả thải ra môi trường

- Các phương pháp xử lý nước thải công nghiệp